Đưa lên trước mặt một tập tài liệu đã ố màu, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Thu Hằng kể lại: “14 năm trước, chúng tôi đã tổ chức một hội thảo tên như thế này, thú vị nữa là nội dung đề cập cũng giống như lần này”.
6 kiến nghị hồi ấy được bà Hằng nêu tại buổi hội thảo “Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức, so ra có nhiều điểm tương đồng với như những vấn đề được nhiều bài tham luận đề cập.
“Chính phủ đã làm nhiều việc để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng đến nay các doanh nghiệp này vẫn thiếu vốn, khó khăn”, ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khoanh lại vấn đề bức thiết nhất của doanh nghiệp.
Chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đăng ký; đóng góp khoảng 48% GDP năm 2010, một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu; chiếm hơn 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội…, theo dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng hiện chỉ khoảng 20%, ông Nam cho rằng đây là thực tế đáng lưu ý.
“Nguyên nhân các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng thấp là vì chính sách tín dụng có vấn đề”, Tổng thư ký Nam nói thẳng. “Thủ tục vay vốn ngân hàng hiện nay phức tạp quá sức của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để tiếp cận được thì chỉ có một việc là bớt thủ tục”.
Ở điểm này, TS. Lê Hoàng Nga (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cũng đồng tình rằng, trong việc tiếp cận vốn tín dụng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam gặp nhiều khó khăn về xây dựng dự án, phương án đầu tư; hạn chế về nhân lực và trình độ quản lý; khó khăn về tài sản bảo đảm…
Dữ liệu cụ thể hơn từ Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho thấy, khó khăn từ tài sản thế chấp khi vay ngân hàng chiếm 77%, từ lập phương án kinh doanh là 60%, từ thủ tục hành chính là 50% và từ lãi suất là 45%.
Nhưng bà Nguyễn Bích Ngọc (Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính) còn thêm rằng, có tới 48% doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ngân hàng từ chối cho vay vốn mà không rõ lý do.
Cho nên, loại dịch vụ mà hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng từ ngân hàng chủ yếu là mở tài khoản, chuyển tiền, thanh toán, vay vốn. Tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa được bảo lãnh tín dụng quá nhỏ, chỉ khoảng 1%, thanh toán quốc tế khá thấp khoảng 18,5%; và không có doanh nghiệp nào sử dụng cho thuê tài chính.
Vay đã khó là vậy, nhưng vay được cũng không dễ dàng hơn trong hoạt động. “Do lãi suất tiền vay quá cao, trên thực tế phổ biến là từ 18% đến 20%/năm, cá biệt lên đến 23%/năm nên rất ít doanh nghiệp có khả năng kinh doanh đạt mức lợi nhuận đủ cao để trả nợ lãi vay ngân hàng”, ông Nam cho biết.
Quan điểm của vị Tổng thư ký nọ được một nhóm nghiên cứu từ Viện Chiến lược và Chính sách tài chính chứng minh trên cơ sở các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết.
Cụ thể là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất đang gặp khó khăn do chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao, trong khi thị trường đầu ra bị thu hẹp, hàng tồn kho tăng nhanh. Các doanh nghiệp vay nợ ngoại tệ với lãi suất thấp hơn thì gặp rủi ro hối đoái…
Tình cảnh hiện nay là nhiều doanh nghiệp có mức doanh thu và lợi nhuận sụt giảm trong khi chi phí lãi vay tăng mạnh khiến hệ số lãi vay/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp trong quý 3/2011 có xu hướng tăng lên.
Ở góc độ tài chính doanh nghiệp, Phó giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Tp.HCM Trần Bửu Long nhìn nhận rằng, tình hình tài chính doanh nghiệp hiện đang đối diện với các vấn đề như: chi phí lãi tiền vay gia tăng, dòng tiền vào không đủ đáp ứng các chi phí cần thiết, các khoản nợ phải thu ngày càng tăng cao mà chưa có biện pháp thu về…
“Toàn bộ mọi vấn đề đã lộ rõ, tình hình doanh nghiệp đã mất dần khả năng thanh toán”, ông Long lưu ý như vậy. “Khi Ngân hàng ngưng không cho vay dự án đang đầu tư của doanh nghiệp, dự án bị dang dở, điều này ảnh hưởng đến cân đối dòng tiền và làm tăng rủi ro tài chính, nếu kéo dài có thể dẫn đến phá sản”.
Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho thấy, những khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng đã đẩy khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa vào tình trạng khó có thể tiếp tục hoạt động.