Kết quả kinh doanh năm 2011 của nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản, chứng khoán và vận tải biển rất kém.
Chưa có con số thống kê chính thức nhưng qua báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) niêm yết 2011 cho thấy số lượng DN có kết quả kinh doanh thua lỗ khá lớn. Trong đó, DN ngành chứng khoán, bất động sản (BĐS) và vận tải biển bị lỗ nhiều nhất. Mặt bằng giá cổ phiếu của các nhóm ngành này đang rất thấp.
Bi thương chứng khoán
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), tính đến ngày 30-1, đã có 158 công ty niêm yết nộp báo cáo tài chính quý IV/2011 và báo cáo hợp nhất năm 2011, chiếm 54,12% số cổ phiếu niêm yết. Theo quy định của Thông tư 09 về công bố thông tin, ngày 19-2 là hạn cuối cùng để các DN báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011. Quan sát sơ bộ cho thấy số DN báo cáo lỗ năm nay tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Một lãnh đạo của HoSE cho biết có đến 63/102 công ty chứng khoán thành viên báo cáo thua lỗ, trong khi năm 2010, con số này chỉ khoảng 28 công ty. Đáng chú ý là phần lớn các công ty chứng khoán đang niêm yết đều thua lỗ nặng. Ngoài một số công ty đang phải rút nghiệp vụ môi giới, dịch vụ thiết yếu như: SME, Đông Dương... vì hoạt động khó khăn, nhiều công ty chứng khoán khác đang phải tìm nguồn sống qua ngày.
Trong số các công ty thua lỗ thì Công ty CP Chứng khoán Sacombank (SBS) đang trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư. Kết quả lỗ sau thuế quý IV/2011 của SBS là 325 tỉ đồng, lũy kế cả năm 2011, SBS lỗ sau thuế gần 610 tỉ đồng và trở thành đơn vị có con số lỗ gần như lớn nhất thị trường niêm yết đến thời điểm này. Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đã báo lỗ năm 2011 là 381 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2010 lãi được 50 tỉ đồng. Công ty mẹ Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng báo lỗ gần 60 tỉ đồng trong năm 2011...
Lãnh đạo một số công ty chứng khoán thừa nhận khó khăn của ngành vẫn còn kéo dài đến năm 2012, vì vậy việc cố gắng tạo nguồn thu để bù chi phí, duy trì “sự sống” là điều mà họ phải phấn đấu ngay từ đầu năm. Đây cũng là lý do khiến cổ phiếu chứng khoán chưa hấp dẫn nhà đầu tư dù giá nhiều cổ phiếu đã rất thấp...
Có lãi nhưng cổ phiếu vẫn rớt giá
Báo cáo kết quả kinh doanh của một số DN BĐS đang niêm yết cho thấy năm 2011, dù có lãi nhưng giá cổ phiếu vẫn không thể vượt qua mệnh giá, thậm chí rớt liên tục. Chẳng hạn: Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) trong quý IV/2011, công ty mẹ lỗ sau thuế gần 40 tỉ đồng nhưng lũy kế cả năm 2011 lại lãi hơn 80 tỉ đồng.
Dù vậy, giá cổ phiếu SCR vẫn có nhiều phiên giảm và hiện chỉ còn 6.500 đồng/cổ phiếu. Tương tự, Công ty CP Địa ốc Hoàng Quân (HQC) có doanh thu thuần quý IV/2011 đạt 6,01 tỉ đồng. Lũy kế cả năm 2011, HQC lãi 21,54 tỉ đồng. Dù vậy, giá cổ phiếu HQC cũng chỉ 4.900 đồng/cổ phiếu. Còn cổ phiếu VPH của Công ty CP Vạn Phát Hưng đang nằm ở mức 3.800 đồng/cổ phiếu dù báo cáo quý IV/2011, công ty lãi 47,3 tỉ đồng sau thuế, lũy kế năm 2011, VPH đạt 8,49 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế...
Chuyên viên phân tích một công ty chứng khoán cho rằng nên xem xét kỹ về các nguồn thu cũng như tài sản, phần nợ của DN BĐS để cân nhắc có đáng đầu tư hay không thay vì chỉ nhìn về giá. Thực tế nhiều cổ phiếu BĐS nổi lên từ đợt “bong bóng” vừa qua nên nhà đầu tư chưa tin tưởng sự ổn định của DN. Chưa kể, một số công ty được coi là đang trên bờ vực phá sản nên nhà đầu tư không dại gì bỏ tiền vào dù cổ phiếu đã “rẻ hơn bèo”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Trưởng Phòng Kinh doanh Chi nhánh Phú Nhuận - Công ty CP Chứng khoán Kim Eng, cho rằng không ít DN BĐS hiện nay có báo cáo tài chính “không đẹp” vì trong đó có phần thu từ những nguồn không ổn định hoặc đến từ các nguồn không chính thức chứ không phải từ hoạt động kinh doanh chính…