Hai tuần nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính phải “chạy sô” chứng kiến các lễ ký cắt giảm chi tiêu tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Giảm một đồng, mất mấy đồng ?
Lễ công bố kế hoạch tiết giảm chi phí và cắt giảm đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngày 22/2 vừa qua được tổ chức khá hoành tráng. Khách mời lần lượt là lãnh đạo nhiều địa phương trên cả nước, lãnh đạo các đơn vị trong và ngoài tập đoàn cùng đông đảo đội ngũ báo giới, truyền thông từ Trung ương đến địa phương.
Buổi lễ với mục đích là công bố rằng “năm nay chúng tôi sẽ tiết kiệm”, nhưng với những ai tham dự không khó để nhận ra TKV đã không tiết kiệm ngay trong ngày công bố “chúng tôi” tiết kiệm, khi khách mời ra về ai nấy đều được nhận một phần quà khá hậu hĩnh.
Ngay cả việc TKV mời khá nhiều lãnh đạo các đơn vị từ tỉnh ngoài về Hà Nội có lẽ cũng đã khiến cho ngân sách hao hụt một khoản do chi phí đi lại.
Không chỉ có TKV, trước đó còn có khá nhiều ông lớn khác như Bảo Việt, EVN, HUD, Vinalines, Vinatex... cũng công bố “tiết kiệm” hoành tráng không kém TKV.
Ngoại trừ những đơn vị dùng ngay hội trường "của nhà" để tổ chức, có không ít đã thuê hẳn văn phòng, hội trường xịn để cho buổi lễ “tiết kiệm” thêm phần long trọng.
Ngoài ra, phần lớn lãnh đạo các cục, vụ, viện, ban đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ cũng đều được các doanh nghiệp mời đến với mục đích... chứng kiến.
Trong hầu hết các buổi lễ công bố cắt giảm chi tiêu vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ có lẽ là người mệt mỏi nhất. Phát biểu tại một buổi lễ như vậy, ông cho biết, “phải chạy sô nhiều, tôi hơi mệt, nhưng vui vì các đồng chí đã biết tiết kiệm, các đồng chí đã thể hiện được lòng tự trọng và kiêu hãnh của mình”.
Từ hình thức, đến hiệu quả
Tuy nhiên, Bộ trưởng Huệ cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp không cần phải tổ chức ký kết, công bố một cách tràn lan, theo phong trào. Thay vào đó, chỉ cần hội đồng thành viên ban hành nghị quyết để các đơn vị, cá nhân thực hiện, sau đó giám sát chặt chẽ. Chỉ đạo đó của Bộ trưởng ít nhiều cho thấy ông cũng nhận thấy sự lãng phí, tốn kém trong các buổi lễ “tiết kiệm” của các tập đoàn.
Vị lãnh đạo ngành tài chính còn cho biết, sắp tới, quy chế giám sát tài chính đối với doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ được ban hành, trong đó đề cao việc xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty. Dù cắt giảm chi tiêu như thế nào, nhưng nếu để thua lỗ hai năm liên tiếp, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty phải bị đưa ra xem xét, xử lý trách nhiệm.
Thông điệp của lãnh đạo Bộ Tài chính không phải là không có ý nhắc nhở các tập đoàn, tổng công ty cần nhìn lại cách chi tiêu của mình trước khi chưa quá muộn. Bởi lẽ, nếu chỉ nhìn qua bề ngoài thì thấy việc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hứa sẽ tiết kiệm hơn 130 tỷ đồng (cũng tổ chức lễ công bố hoành tráng vào ngày 23/2), không ít người sẽ cho rằng đó là động thái vì dân, vì người tiêu dùng.
Thế nhưng, nếu soi lại báo cáo của tập đoàn này đang lưu tại Bộ Tài chính cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2011, doanh nghiệp này đã chi vượt định mức lên tới trên 600 tỷ đồng cho các chi phí sản xuất, kinh doanh. Thế nên, con số tiết kiệm hơn 100 tỷ đồng trong năm nay của Petrolimex, có ý kiến cho rằng cũng không khác nào muối đổ bể.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, trong lần dự hội nghị công bố “tiết kiệm” của Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Việt Nam (HUD Group) đã thẳng thắn, “cắt giảm kiểu gì nhưng quan trọng là giá nhà có giảm được hay không, người dân có chấp nhận được mức giá đó hay không. Còn nếu không, ngay cả tập đoàn nhà nước cũng không cần thiết phải tồn tại”.
Nhìn nhận về động thái tiết giảm chi phí của các “ông lớn”, một số chuyên gia kinh tế được tham vấn đều cho rằng, đó là việc làm tích cực về mặt ý thức, còn hiệu quả và bản chất như thế nào đó còn là cả câu chuyện dài dài, chưa thể kết luận ngay được.
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, việc Chính phủ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty phải tiết giảm chi phí là một sức ép đối với họ trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước sau một thời gian dài để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Tuy nhiên, để thực sự mang lại hiệu quả cho khối doanh nghiệp này, theo ông Tuyển, quan trọng hơn nhiều là việc cải tiến được năng suất lao động tại các đơn vị, còn chi phí dù có cắt giảm cũng chỉ là một phần nhỏ mà thôi.
“Lâu nay chúng ta chỉ tập trung cắt giảm ở khối cơ quan quản lý mà chưa thực hiện ở khối doanh nghiệp, do vậy lần này dù việc tiết kiệm của doanh nghiệp nhà nước có phần hơi muộn, nhưng dù sao cũng còn hơn không thực hiện”, ông nói.
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói, động thái cắt giảm chi tiêu của các “ông lớn” hiện nay dù sao cũng là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, đó chưa phải là vấn đề nền tảng của quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Bởi quá trình này sẽ đòi hỏi nhiều, từ chuyện tư duy lại vai trò của thị trường, của doanh nghiệp nhà nước, vấn đề quản trị, minh bạch hóa thông tin, xử lý các doanh nghiệp yếu kém.