Ngày 21/2, Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc EVN đã ký cam kết thực hiện tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng và tiết kiệm chi phí năm 2012. Đây là hành động cụ thể của EVN trong thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012.
Cam kết tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh trên 1.800 tỷ đồng
Tại Lễ ký kết, Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh đã công bố mức cam kết tiết kiệm chi tiêu của toàn Tập đoàn trong năm 2012 là trên 1.800 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tập đoàn sẽ tiếp tục huy động vốn và đầu tư hiệu quả các dự án điện, thực hiện tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ.
Để thực hiện mục tiêu tiết kiệm chi phí, theo TGĐ Phạm Lê Thanh cần rất nhiều các giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Trong đó: Tập đoàn sẽ kiểm soát chặt chẽ các khoản chi phí và chi tiêu ở Công ty mẹ và các đơn vị thành viên, nỗ lực giảm tỷ lệ điện tự dùng trong sản xuất truyền tải và phân phối điện từ 9,5% kế hoạch đầu năm xuống còn 9,3%.
Theo chỉ đạo của Tổng giám đốc, các đơn vị thuộc EVN cần chủ động chuẩn bị các phương án cung ứng điện để kịp thời ứng phó với các tình huống bất lợi; thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm tổn thất điện năng; cải tạo nâng cấp lưới điện hạ áp mới tiếp nhận ở nông thôn để giảm tổn thất điện năng hiện ở mức trên 20% xuống còn 15%.
Ngay từ đầu năm 2012, các đơn vị cần tăng cường triển khai công tác tiết kiệm điện, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông để vận động tiết kiệm trong nhân dân và doanh nghiệp.
Thực hiện tiết kiệm điện, EVN sẽ tiếp tục hỗ trợ quảng bá sử dụng đèn compact, các loại thiết bị gia dụng được dán nhãn tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ lắp đặt thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời... Tập đoàn cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp trong ngành sản xuất xi măng, thép trong Chương trình sử dụng hiệu quả năng lượng, lắp đặt các hệ thống nhằm tận dụng năng lượng trong quá trình sản xuất xi măng và thép.
Đảm bảo đầu tư và huy động vốn một cách hiệu quả, tiết kiệm kinh phí, EVN sẽ ưu tiên bố trí các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm cấp bách, các dự án nằm trong mục tiêu đưa vào vận hành trong năm 2012, chỉ bố trí vốn đối với các dự án, công trình đã hoàn thành các thủ tục đầu tư và đủ các điều kiện để thi công và giải ngân.
Tập trung thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn theo chỉ đạo của Chính phủ, TGĐ Phạm Lê Thanh nhấn mạnh: "Tập đoàn đã xây dựng lộ trình, kiên quyết đến năm 2015 sẽ thực hiện thoái vốn triệt để tại các lĩnh vực bất động sản, chứng khoản, ngân hàng, bảo hiểm."
Cụ thể, trong lĩnh vực viễn thông, EVN đã thực hiện bàn giao nguyên trạng EVN Telecom sang Tập đoàn Viễn thông quân đội quản lý. Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, EVN sẽ bán bớt phần vốn của EVN tại Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình. Hiện EVN đang trình Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh về chuyển nhượng vốn 5,37% tỷ lệ sở hữu cổ phần của EVN tại ABBank cho HDBank. Ở lĩnh vực bất động sản, EVN có chủ trương chuyển nhượng cổ phần tại các Công ty liên kết và đã giao người đại diện phần vốn của EVN tại các công ty cổ phần bất động sản tìm kiếm đối tác đầu tư để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần. Việc thoái vốn cũng được triển khai mạnh trong lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán.
EVN sẽ làm được...
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng: Năm 2012, nền kinh tế thế giới dự báo tiếp tục gặp khó khăn do lạm phát còn cao, đặc biệt là trong thời gian gần đây do thời tiết khắc nghiệt của châu Âu và vấn đề căng thẳng ở vùng vịnh nên giá năng lượng đang tăng mạnh.
Trong nước, lạm phát đã được kiềm chế nhưng vẫn còn ở mức cao, hai tháng đầu năm theo đánh giá đã ở mức khoảng trên 2%, vì vậy với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 2 con số đề ra của Chính phủ thì “dư địa” cho các tháng còn lại trong năm là rất hẹp. “Vì vậy, mục tiêu tiết kiệm chi phí 1.800 tỷ đồng theo tôi EVN phải làm và sẽ làm được. Điều đó thể hiện rõ cử chỉ của EVN trong việc chia sẻ khó khăn với Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong năm 2012”.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, để thực hiện thành công mục tiêu tiết kiệm chi phí, tiết kiệm điện thì chỉ một mình EVN sẽ không làm được, mà rất cần có sự chung tay của các hộ tiêu dùng điện, và đặc biệt là các doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp cần rà soát lại các phương tiện, thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng, tạo điều kiện cho EVN giảm chi phí sản xuất điện. Bên cạnh đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan thông tấn báo chí, để có thể tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.
Về vấn đề tái cơ cấu ngành nghề, tái cơ cấu sở hữu và nâng cao quản trị doanh nghiệp, Bộ trưởng Vương Đình Huệ tin tưởng: “EVN hoàn toàn có thể thực hiện được việc thoái vốn khỏi những lĩnh vực không cần thiết nhanh hơn các doanh nghiệp khác và trước thời hạn Chính Phủ yêu cầu (tức là trước năm 2015)".
Bộ trưởng cũng mong muốn, để đảm bảo hoạt động hiệu quả thì EVN cần tiếp tục nâng cao khả năng quản trị, đặc biệt là quản trị chi phí và giá thành.